Chủ yếu gia công, dệt may thu nhiều, lãi ít

xưởng may áo thun

Trong các DN dệt may nội, quy mô lớn nhất phải kể đến DN đầu ngành là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) – DN có vốn nhà nước may mắn làm ăn có lãi.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận của Vinatex trong năm 2017 vừa qua không tăng, mà chỉ bằng năm 2016 (ước đạt 1.434,4 tỷ đồng) dù cho doanh thu tăng hơn 10% (ước đạt 45.550 tỷ đồng).

Ở một DN nhỏ hơn nhiều như công ty CP Dệt may Thành Công, doanh thu trong năm vừa qua đạt gần 3.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận sau thuế dù vượt chỉ tiêu 11% (đạt khoảng 200 tỷ đồng), nhưng xem ra vẫn còn khiêm tốn so với doanh thu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các DN có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao hơn trung bình ngành chủ yếu là các DN may tư nhân như Dệt may Thành Công, TNG, May Sài Gòn. Còn nhóm các DN thuộc Vinatex có biên lợi nhuận trung bình. Đây là các DN đầu ngành với quy mô doanh thu và tổng tài sản lớn nhất.

Trên thực tế, các DN dệt may có vốn nhà nước đang quản lý chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN cao hơn so với trung bình ngành. Đồng thời cũng có chi phí quản lý DN ở mức cao so với trung bình ngành.

Như nhận định của công ty Chứng khoán FPT (FPTS), trong các DN may, May Việt Tiến và May Việt Thắng có tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần ở mức cao. Đây là các DN vừa tận dụng được các ưu thế về quy mô, mối quan hệ với các bạn hàng lâu năm, mặt khác liên tục đổi mới, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác nước ngoài.

Trong khi đó, các DN có quy mô doanh thu lớn, như May Nhà Bè, Tổng công ty May 10, Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội là các đơn vị có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế không cao.

Mặt khác, các đơn vị may tư nhân như Dệt may Thành Công, TNG, May Sài Gòn có tỷ lệ lợi nhuận trước thuế cao hơn trung bình ngành (3%) do chủ yếu sản xuất theo phương thức FOB – sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng với các đơn hàng cụ thể, tự chủ nguyên liệu.

Ngoài ra, theo chuyên viên phân tích Lê Hồng Thuận (FPTS), kim ngạch XK hàng dệt may rất lớn, nhưng thực chất các DN Việt Nam chỉ được hưởng lợi rất ít. Nếu các DN trong ngành thay đổi và được hỗ trợ tích cực hơn từ phía Nhà nước, ngành dệt may Việt Nam có thể bứt phá.

Khối ngoại có nhiều ưu thế

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy kim ngạch XK của ngành dệt may trong năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Ngành này cũng đặt ra mục tiêu kim ngạch XK 33,5 – 34 tỷ USD trong năm 2018.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu nhìn vào mức chênh lệch cao giữa mức doanh thu và lợi nhuận của các DN dệt may nội địa sẽ thấy để tăng lợi nhuận từ việc tăng kim ngạch XK, còn nhiều việc phải làm với DN nội.

Kim ngạch XK dệt may hiện nay chủ yếu vẫn đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các DN FDI lĩnh vực sản xuất hàng may mặc tuy chỉ chiếm khoảng 25% về số lượng nhưng đóng góp tới hơn 60% kim ngạch XK do không chỉ có lợi thế về máy móc, công nghệ, mà còn có đơn hàng ổn định từ công ty mẹ chuyển về.

Còn các DN dệt may nội địa thì sao? Nhiều nhận định cho thấy sau gần 10 năm đẩy mạnh XK hàng may mặc, dù cho các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, kim ngạch từ các DN Việt Nam vẫn không có nhiều chuyển biến rõ.

Thậm chí, với những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang hoặc sắp ký kết thì cơ hội cho XK dệt may rất nhiều, nhưng phần hưởng lợi nhiều vẫn là các DN FDI.

Thực ra, một điều tra cho thấy các DN sản xuất hàng may mặc nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công – CMT (chiếm khoảng 65%), phương thức FOB (chiếm 30%) và ODM – thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất (chiếm 5%).

Đối với phương thức sản xuất CMT, đơn vị sản xuất chỉ thực hiện cắt may, dựng và hoàn tất, với nguyên vật liệu và thu mua hàng hóa sau sản xuất do bên đặt hàng thực hiện, nên giá trị gia tăng rất thấp.

Đối với phương thức FOB, các DN chịu trách nhiệm nhập khẩu nguyên vật liệu và sản xuất đơn hàng, DN được hưởng khoảng 30% giá trị XK và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 3 – 5% doanh thu thuần. Đối với phương thức ODM, các DN chịu trách nhiệm thêm khâu thiết kế so với FOB, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 5 – 7%.

Như vậy, với kim ngạch XK hàng may mặc của các DN Việt Nam chỉ chiếm 40% trong tổng giá trị XK dệt may năm 2017, giả sử tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần ở mức trung bình là 2% (CMT), 4% (FOB) và 6% (ODM) thì phần lợi nhuận sau thuế các DN dệt may Việt Nam nhận được là khá khiêm tốn.

Trả lời